Chào mừng các bạn đã tới với tạp chí YTCC số 39

Trong số này các bạn sẽ tiếp cận với những nội dung chính như sau: Nhóm tác giả Nguyễn tiến Thắng và CS đã tiến hành nghiên cứu ban đầu về tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của người cao tuổi tại 4 xã của huyện Tiền Hải, Thái Bình vào năm 2013 để làm tiền đề cho một nghiên cứu can thiệp sẽ được tiến hành ngay sau đó. Đây là một bước bắt buộc để có thể có những so sánh sau can thiệp. Và thậm chí trước đó, kết quả của nghiên cứu này còn có thể giúp gợi ý cho những nội dung cũng như phương pháp tiến hành can thiệp hiệu quả nhất. Đây là một nghiên cứu không phức tạp, nhưng cần thiết, vì thế tiến hành nó cần rất chú ý các tiêu chí để có thể so sánh được sau này. Kiểu nghiên cứu này sẽ cần thiết phải lường trước được các cấu phần can thiệp sẽ tập trung vào các tiêu chí nào và toàn diện tới mức nào. Những khảo sát mang tính định lượng và cả định tính sẽ phải được tiến hành ra sao. Nói tóm lại nghiên cứu sẽ cung cấp cho các bạn làm việc tại các tuyến ban đầu một cái nhìn thực tế trước khi tiến hành một can thiệp trên một cộng đồng. Nhóm tác giả Dương Nữ Tường Vy và CS đã tiến hành nghiên cứu “Can thiệp vệ sinh tay tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà, năm 2014”. Đây cũng thuộc lại nghiên cứu rất cơ bản, thường bị bỏ qua đặc biệt trong môi trường bệnh viện. Người ta thường tiến hành những nghiên cứu phức tạp hơn, nhưng quên rằng chính nghiên cứu này đã được tiến hành lần đầu tại một bệnh viện của Áo và chính nó đã chỉ ra kết luận quan trọng của việc không rửa tay kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật là nguyên nhân duy nhất dẫn tới tăng tỷ lệ tử vong trong sản khoa. Trong nghiên cứu này tác giả nhấn mạnh tới tỷ lệ rửa tay đúng kỹ thuật và coi đó là điều kiện tiên quyết cho an toàn thực hiện các kỹ thuật y tế. Sẽ thuyết phục hơn nếu nhóm tác giả tiến hành so sánh giữa hai nhóm can thiệp và chứng và xét nghiệm tìm vi khuẩn tồn tại trên tay của các nhóm đối tượng trên hai nhóm này. Với đề tài “Khảo sát đánh giá tình trạng sinh con thứ ba (SCT3) trở lên của thủ đô HN và đề xuất giải pháp”, đây là nghiên cứu không mới, kể cả những kết luận của nó. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ thì vẫn có thể học được khá nhiều bài học, ví dụ trong phần nói tới nguyên nhân thực trạng tăng SCT3 tại địa bàn nghiên cứu, tác giả đã ngay lập tức quy kết hậu quả này cho các nguyên nhân rất rõ ràng ở các mục từ 3.3.1 tới 3.3.4 mà không có bất kỳ lý giải nào cụ thể. Tại sao tác giả lại không giả định rằng nếu các hoạt động này đều tốt cả thì liệu việc SCT3 có vẫn tăng không? Hay việc SCT3 chỉ bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài như: Bình đẳng giới được tuyên truyền tốt; Truyền thông pháp lệnh dân số tốt; Cán bộ chưa được đào tạo giảm SCT3; Phối hợp liên ngành chưa có hiệu quả? Những kết luận này đã không được hậu thuẫn chắc chắn bởi các bằng chứng dữ liệu trong nghiên cứu của tác giả! Nhóm tác giả Lê Thị Kim Ánh và CS đã tiến hành đề tài: “Khó khăn trong triển khai chính sách y tế liên quan tới giảm ngèo bền vững cho người dân tại Điện Biên, Kon Tum và Quảng trị, năm 2014.” Đây là nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính kết hợp với nghiên cứu tư liệu liên quan (desk-study) (Người nhận xét không thấy các phân tích định lượng trong phần trình bày kết quả nghiên cứu như nhóm NC đề cập). Thật ra thì chỉ sử dụng định tính trong trường hợp này cũng chấp nhận được, vì đọc qua những câu trả lời của đối tượng tham gia nghiên cứu, người đọc có thể hình dung được rằng những câu trả lời đó hoàn toàn có thể kiểm chứng thông qua những quan sát trực tiếp và ước lượng được những tỷ lệ nhất định người dân tại những cụm nhất định đang đối mặt với những khó khăn họ đang nói tới.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh

Mục lục

Nguyễn Tiến Thắng, Trần Thị Mỹ Hạnh, Lê Vũ Anh
Dương Nữ Tường Vy, Nguyễn Thanh Hương
Hoàng Đức Hạnh, Tạ Quang Huy, Lưu Bích Ngọc, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu, Bùi Thị Hạnh
Lê Thị Kim Ánh, Lê Bích Ngọc, Trần Thị Đức Hạnh
Đặng Bích Thủy