Chào mừng các bạn đã tới với số 37 của Tạp Chí YTCC

Tạp chí số này bao gồm những nội dung sau đây:

Nghiên cứu Đánh giá hiệu quả của tiêu thụ hàng ngày sữa chua uống men sống chứa chủng Lactobacillus Paracasei lên sự thay đổi chỉ số miễn dịch IgA trên trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp từ 24-47 tháng tuổi, tại Đông Hưng, Thái Bình của tác giả Cao Thị Thu Hương và CS được thiết kế theo phương pháp can thiệp có nhóm đối chứng và lấy mẫu sinh phẩm định lượng IgA tại các phòng thí nghiệm chuẩn. Độc giả có thể tham khảo từ nghiên cứu này phương pháp và sử dụng kết quả nghiên cứu để áp dụng vào thực tế. Nhóm tác giả Nguyễn Thị Kim Ngân và CS đã triển khai “Đánh giá dự án cung cấp thông tin về sức khoẻ sinh sản M-Health cho nhóm nữ lao động di cư”. Kết quả cho thấy đây là một hướng dẫn mới cho việc áp dụng điện thoại di động thông minh cho những dịch vụ tương tự cũng như sự cần thiết và thuận lợi khi sử dụng dịch vụ này. Tác giả Bùi Xuân Minh và CS đã tiến hành nghiên cứu thực trạng dinh dưỡng và những yếu tố liên quan ở người dân tộc Raglai tại một địa điểm miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh - Khánh Hoà. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất cần được quan tâm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân tại đây vẫn rất cao (gần 60%), thấp còi (gần 79%) là một bằng chứng rõ ràng về thực trạng mất công bằng giữa các tỉnh đồng bằng và miền núi. Vì vậy, cần thiết phải có những can thiệp ngay lập tức như nhóm tác giả đã đề nghị.

Đề tài “Thực trạng và động cơ đồng sử dụng heroin và ma tuý tổng hợp dạng Amphetamine tại ba thành phố lớn ở Việt Nam” cho thấy một chuyển động theo hướng “hoà nhập” khi dòng ma tuý đa dạng được đổ vào Việt Nam và tính “nhạy cảm” của các “khách hàng” tiêu thụ loại “hàng hoá” này. Cần thực hiện những nghiên cứu tương tự tại các khu vực ngoài các thành phố lớn của nghiên cứu để khẳng định tình trạng hiện tồn tại của việc phối hợp này về mặt địa lý.

Tác giả Hoàng Đức Hạnh và CS đã phản ánh một thực trạng “phát triển” trong bối cảnh đô thị hoá nhanh hơn nhiều so với những thay đổi mang tính hành vi đặc thù trong liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm qua  đề tài “Tình hình ngộ độc thực phẩm tại Hà Nội từ 2010-2014”.

Tác giả Nguyễn Đình Dự và CS đã tiến hành “Đánh giá kiến thức và thực hành làm mẹ an toàn của cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số sau 3 năm được đào tạo tại Hà Giang, 2014”. Tuy kết quả nghiên cứu chỉ ra mô hình đào tạo là phù hợp ở khu vực miền núi, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tư vấn và kỹ năng đỡ đẻ giảm đi đáng kể. Đây được coi là 2 hoạt động quan trọng nhất trong việc đào tạo và cung cấp dịch vụ của loại hình này. Tăng cường giám sát hỗ trợ là khuyến nghị hoàn toàn hợp lý. Giám sát luôn là điểm yếu của các chương trình can thiệp ở Việt Nam do những lý do chủ quan lẫn khách quan chủ yếu là kinh phí. Vì vậy, nếu chỉ khuyến nghị mà không chỉ ra giải pháp thì vấn đề vẫn khó giải quyết.

Tác giả Nguyễn Thị Thịnh và CS đã tiến hành đề tài “Kiến thực, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ có con dưới 5 tuổi người H’Mông tại một số xã thuộc huyện Bảo Lạc, Cao Bằng năm 2014”. Đề tài và cả phương pháp tiến hành đều không mới. Tuy nhiên, với những vùng sâu, xa và trên người dân tộc thiểu số việc nhắc lại là quan trọng. Vì vậy, khuyến nghị nên cụ thể và thích hợp để có thể tiến hành trên những thực địa này là quan trọng trong việc giúp đạt được mục tiêu khoa học đã đề ra.

Trân trọng giới thiệu với các bạn!

Tổng Biên tập

Lê Vũ Anh

Mục lục

Cao Thị Thu Hương, Trương Tuyết Mai
Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Thị Đức Hạnh, Vũ Thị Hoàng Lan
Bùi Xuân Minh, Lê Tấn Phùng, Trần Ngọc Thành
Trần Thị Điệp, Hồ Thị Hiền, Lê Minh Giang
Nguyễn Thùy Dương, Trần Ngọc Tụ, Hoàng Đức Hạnh
Nguyễn Đình Dự, Trần Thị Đức Hạnh, Vũ Thị Hoàng Lan, Bùi Thị Thu Hà
Nguyễn Thị Thịnh, Nguyễn Quang Dũng, Trần Thúy Nga