2018


2017

Số 43 Tập 14 (Tháng 03 năm 2017)

Tạp chí YTCC số 43 xin chào các bạn.

Trong số này sẽ bao gồm những nội dung sau đây:

Tác giả Dương thị Thu Hương và cộng sự sẽ trình bày nghiên cứu: “Các yếu tố xã hội liên quan tới việc có ý định tử tử và cố gắng tự tử ở học sinh phổ thông trung học Hà Nội.” Đây là nghiên cứu về một vấn đề khá mới, từng lạ lẫm ở Việt Nam. Với nghiên cứu này, tác giả đã đề cập đến một thực trạng sức khoẻ tâm thần được cho là gây nên bởi những áp lực tinh thần lên các đối tượng học sinh trung học. Qua đó đã bước đầu gợi ý những khuyến nghị về sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Tác giả Nguyễn Hữu Thắng và cộng sự, nghiên cứu “Kiến thức của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về phòng chống bệnh tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em tại một số vùng miền tại Việt Nam”. Đề tài này không mới, nhưng nó phản ánh một thực trạng mới rằng mặc dù bệnh không truyền nhiễm, mãn tính đã chiếm vai trò thống trị trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam thì ở một số nơi vẫn còn những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Lơi lỏng nhận thức của các bà mẹ về các bệnh này sẽ nguy hiểm nếu bệnh xuất hiện lại.

Tác giả Phạm Vân Thuý đã “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, mật độ xương của nữ sinh vị thành niên tại Thái Nguyên năm 2014.” Và đã cho thấy một tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn, béo phì và mật độ xương thấp là cao ở khu vực này. Việc cải thiện khẩu phần ăn, điều chỉnh chế độ ăn, và luyện tập cũng như bổ xung vitamine và khoáng chết là cần thiết.

Tác giả Trần Quang Đức và cộng sự đã mô tả: “Thực trạng và một số yếu tố liên quan  tới ý định từ bỏ thuốc lá của nam giới hút thuốc lá từ 18 tuổi trở lên tại 3 phường của quận Đống Đa, Hà Nội năm 2016.” Qua đó, tác giả đã đưa một tỷ lệ và những lý do khá tích cực về tỷ lệ cũng như nguyên nhân muốn từ bỏ thuốc lá trên những nhóm đối tượng này.

Tác giả Nguyễn Thị Thi Anh và cộng sự đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới dự định hiến máu nhắc lại, thông qua một nghiên cứu tổng quan hệ thống. Kết quả là thái độ và sự tự chủ là hai yếu tổ mạnh nhất ảnh hưởng cơ bản tới hành vi này. Kế đến là những chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, chuẩn mực đạo đức cá nhân, sự hài lòng cũng như các phản ứng khi tham gia hiến máu là những yếu tố quan trọng tới hành vi này.

Tác giả Nguyễn Hoàng Lan và cộng sự đã nghiên cứu “Chất lượng cuộc sống của người chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt ở thành phố Quy Nhơn.” Cho thấy những chỉ số đánh gía này thấp và cần được cải thiện. Trong một bối cảnh các bệnh không truyền nhiễm, mãn tính gia tăng nhanh chóng, già hoá dân số đang trở thành cản trở lớn nhất của nền kinh tế, những nghiên cứu như thế này là cần thiết và việc chuyển những kết quả nghiên cứu này tới các nhà hoạch định chính sách là quan trọng để có thể sớm có những giải pháp cho tương lai.

Tác giả Phạm Thị Bền và cộng sự nghiên cứu về việc phân tích “Mô hình ICF-CY trong can thiệp ngữ âm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt”.  Và đưa ra những gợi ý cho việc sử dụng mô hình này ở Việt Nam.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu những nghiên cứu này tới bạn đọc.


2016

Số 42 Tập 13 (Tháng 6 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã đến với số 42 của tạp chí Y tế công cộng.

Trong số này các bạn sẽ được tiếp cận với các nghiên cứu sau đây:

Nhóm tác giả Lê Tấn Phùng và CS đã tiến hành nghiên cứu: “Nghiên cứu mối liên quan giữa sốt xuất huyết Dengue và một số yếu tố vi khí hậu tại tỉnh Khánh Hòa trong 11 năm (2004-2014)” trong đó những yếu tố vi khí hậu như nhiệt độ trung bình, độ ẩm và mưa đã ảnh hưởng và giải thích cho những biến thiên mắc bệnh trong các khu vực nghiên cứu. Hiểu biết rõ hơn mô hình này sẽ giúp cho công tác phòng bệnh hiệu quả hơn.

Nhóm tác giả Trần Thị Thanh Nhàn và CS đã nghiên cứu đề tài: “Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan trên phụ nữ mãn kinh ở thành phố Huế.” Sử dụng thang đo chất lượng cuộc sống rút gọn của tổ chức Y tế thế giới đã cho thấy một  kết luận so sánh ở mức trung bình. Với các yếu tố liên quan được xác định bao gồm: trình độ học vấn, mắc các bệnh mãn tính nhất định và các triệu chứng khi mãn kinh.

Nhóm tác giả Lưu Quốc Toản và SC đã tiến hành đề tài: “Lượng giá nguy cơ thừa cân béo phì liên quan đến tiêu thụ nước ngọt có ga không cồn ở học sinh một số trường trung học phổ thông tại Hà Nội”. Tuy nhiên, do hạn chế ở phương pháp bán định lượng nên nghiên cứu mới chỉ có được những kết quả khiêm tốn bước đầu về mối quan hệ này.  

Nhóm tác giả Lê Thị Thanh Hương và SC đã tiến hành nghiên cứu: “Thực trạng vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại điểm bán lẻ ở 6 tỉnh tại Việt Nam năm 2015” Cho thấy một hình ảnh vi phạm quy định khá phổ biến và cao liên quan nhiều tới nhận thức của người bán lẻ và của người thực thi công vụ về quy định này.

Nhóm tác giả Nguyễn Hiền Vương và SC đã nghiên cứu đề tài:”Sử dụng rượu bia tại 3 tỉnh của Việt Nam năm 2013”. Đây là một nghiên cứu theo dõi dọc trong 3 năm liên tục từ 2013-2015, tính giá trị của nghiên cứu vì vậy sẽ được coi là đáng tin cậy đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại về những đặc điểm dịch tế học của các nhóm đối tượng sử dụng rượu bia và tất nhiên là những hậu quả của nó trong cả ngắn và dài hạn.

Tác giả Bùi Tú Quyên đã nghiên cứu đề tài: “Thực trạng bao phủ bảo hiểm y tế và một số yếu tố liên quan ở người lao động phi chính thức quận Long Biên, Hà Nội” đã cho thấy một tỷ lệ khá thấp những người lao động loại này đã có bảo hiểm y tế. Tác giả đồng thời cho thấy những định hướng hoạt động có thể làm tăng tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế trên những đối tượng này.

Tác giả Nguyễn Thị Hoa và CS đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực hành phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ dưới 3 tuổi của người chăm sóc trẻ chính xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình năm 2015”. Kết quả nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ quá thấp những đối tượng này biết và tham gia thực hành này, chỉ 31.6% và đã gợi ý một chương trình giáo dục và truyền thông toàn diện nhằm nâng cao tỷ lệ này.

Xin giới thiệu các nội dung nghiên cứu chi tiết các nghiên cứu.

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh

Số 41 Tập 13 (Tháng 3 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã tới với số 41 tạp chí Y tế công cộng (YTCC).

Trong số này các bạn sẽ tiếp cận với một loạt bài phản ánh đặc thù tính đa dạng của các nhiên cứu YTCC. Nhóm tác giả Phạm Công Tuấn và cộng sự (CS) với đề tài “Điều kiện làm việc của nữ công nhân ngành sản xuất da giày tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam” đã cho thấy một hiện trạng sử dụng lao động nữ tại những điều kiện ô nhiễm ở các khu công nghiệp cần được cải thiện. Chỉ tiếc rằng bên cạnh những phát hiện khá tin cậy thì việc khuyến nghị của các tác giả lại khá mờ nhạt và không rõ ràng. Nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Bích và CS với đề tài “Thực trạng kiến thức, thái độ và tuân thủ cấm hút thuốc trong sinh viên cử nhân chính quy và cán bộ trường Đại học Y tế Công cộng” cho thấy tình trạng hút thuốc lá được theo dõi bằng 2 lát cắt ở hai thời điểm khác nhau để có thể cho kết luận về sự tăng/giảm của những thông số được đo lường. Lại môt lần nữa có thể thấy việc khuyến nghị tăng cường các biện pháp thông dụng nhằm làm giảm nốt số người còn hút thuốc là khó khả thi vì nguyên nhân hút thuốc của nhóm này chắc chắn khác với đa số người hút thuốc khác, và vì vậy nhóm này cần những giải pháp đặc hiệu và cụ thể hơn. Nhóm tác giả Lê Thị Kim Ánh và CS đã nghiên cứu đề tài “Khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ lao động di cư tại các khu công nghiệp Việt Nam năm 2013-2014”. Tiếp cận dịch vụ y tế ở lao động nữ đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các tác giả đã cho thấy một hình ảnh thiếu vắng trầm trọng công tác truyền thông, thay đổi hành vi của cán bộ y tế. Một cộng tác được cho là vô cùng quan trọng trong dự phòng các vấn đề liên quan tới sức khoẻ sinh sản. Phương pháp được sử dụng chỉ đơn thuần là định tính là phù hợp trong những nghiên cứu loại này. Nhóm tác giả Vũ Thị Thuý Mai và CS nghiên cứu đề tài “Dự báo nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường tuýp II trong 10 năm ở cộng đồng người trưởng thành huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”. Với báo cáo gần đây của WHO về tiểu đường năm 2016, dường như các tác giả của nghiên cứu này đang hướng tới một tương lai nghiên cứu và hành động hoà nhập với thế giới liên quan tới cảnh báo nguy cơ chỉ tăng lên của bệnh này trên một quy mô nhỏ là huyện Vụ Bản, Nam Định. Nghiên cứu đáng để chúng ta chú ý về việc giới thiệu một phương pháp nhằm dự báo tỷ lệ mới mắc tiểu đường phục vụ cho việc lập kế hoạch cung cấp dịch vụ đặc hiệu cho bệnh này, sử dụng thang đo FINDRISC. Nhóm tác giả Hoàng Ngọc Diệp và CS với đề tài “Kiến thức của cán bộ y tế tuyến xã về phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ dưới 6 tuổi.” đã đề cập tới một đề tài không thường được nghiên cứu ở tuyến cơ sở, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, tuy nhiên, đang nổi lên như một nhu cầu tự nhiên. Và đúng như kết luận của các tác giả, việc nâng cao kiến thức để phát hiện sớm những khuyết tật này là khá lớn, trên 30% số đối tượng nghiên cứu. Nhóm tác giả Nguyễn Thái Quỳnh Chi và CS với đề tài nghiên cứu “Năng lực sức khỏe tâm thần của sinh viên y tế công cộng ở Hà Nội về rối loạn lo âu” đã phản ánh thực trạng này trên chính sinh viên đại học YTCC, nơi có thể coi là giao thoa giữa các kiến thức liên quan tới bảo vệ và tăng cường sức khoẻ từ cả y học và xã hội học. Đây là nghiên cứu đáng suy ngẫm và cần phát triển trong bối cảnh các vấn đề rối loạn tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Trường và CS với đề tài “Động lực làm việc của nhân viên y tế khối lâm sàng Viện Pháp y tâm thần trung ương năm 2015”, nghiên cứu này áp dụng một phương pháp đo lường vào một cơ sở thực hành lâm sàng cụ thể nhằm tìm hiểu và tăng cường hiệu quả hoạt động của nó. Tuy nhiên, lại một lần nữa phần khuyến nghị lại quá chung chung và khó nhìn thấy một hứa hẹn tăng cường trong một tương lai gần!

Xin trân trọng giới thiệu số 41 tạp chí YTCC cùng bạn đọc. 

Lê Vũ Anh

Tổng biên tập

Số 40 Tập 13 (Tháng 3 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã tới với Tạp chí Y tế công cộng (YTCC) số đặc biệt chào mừng 15 năm ngày thành lập Trường Đại học Y tế Công cộng.

 

Là một Tạp chí chuyên ngành, Tạp chí Y tế Công cộng có trách nhiệm quảng bá cho những hoạt động YTCC nói chung và hoạt động đào tạo YTCC nói riêng. Bởi vì tất cả các hoạt động thuộc một chuyên ngành đều giao thoa với nhau và tạo nên một bản sắc đặc thù cho chuyên ngành đó, ở khu vực và đất nước nhất định. Không có chuyện, ở một đất nước có một trường đại học chuyên ngành được xếp hạng rất cao trên thế giới, mà đất nước đó lại bị xếp hạng rất thấp về lĩnh vực mà trường đại học đó đang đào tạo, nghiên cứu, và ngược lại. Điều này cũng rất đúng khi áp dụng vào lĩnh vực YTCC. Nhận định này vừa mang ý tương tác nhân-quả, vừa mang ý thúc đẩy phát triển vì những gạn lọc tự nhiên của sự phát triển sẽ giúp không chỉ một cấu phần mà là toàn bộ sự phát triển của một ngành đồng bộ với các ngành khác. Điều đó tạo nên sự phát triển đồng đều, toàn diện của một xã hội.

 

Nhìn vào quá trình vận động phát triển củaTrường Đại học YTCC, tính từ giai đoạn tiền thân là Trường cán bộ Quản lý ngành y tế, chúng ta thấy rằng sự nỗ lực khác nhau ở những giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng tựu chung lại cái gốc vẫn là đào tạo nhân lực hoạt động trong ngành y tế (dù ở loại hình và cấp độ khác nhau). Với sự phát triển mạnh mẽ về cả khoa học và công nghệ trên thế giới thì càng những giai đoạn sau, sự đòi hỏi của xã hội càng cao và cấp bách hơn. Điều đó có nghĩa là xã hội mong nhìn thấy sự phát triển toàn diện và nhanh hơn, với vai trò của một trường đại học-Trung tâm xây dựng và truyền bá kiến thức.

 

Trong số Tạp chí đặc biệt này – bạn đọc sẽ được tiếp cận với các công trình nghiên cứu của giảng viên và học viên của nhà trường trong những năm gần đây. Mục tiêu của Tạp chí số đặc biệt  nhằm chia sẻ và cung cấp những bằng chứng khoa học cập nhật về các chủ đề thuộc lĩnh vực y tế công cộng tới các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý, các nghiên cứu viên, học viên và sinh viên.

 

Những đóng góp đầy đủ của Trường Đại học YTCC cho ngành học mới được phát triển ở Việt Nam trong những năm đầu thiên niên kỷ này sẽ chỉ được công nhận khi tất cả những hoạt động và sản phẩm thực tế của nhà trường được thể hiện không chỉ bằng những nội dung không mang tính nghiên cứu, mà còn qua những nội dung liên quan tới đào tạo, những nội dung mang tính định hướng và dẫn dắt v.v.. Mà cũng không chỉ giới hạn qua những nội dung mang tính kỹ thuật mà phát triển con người.

 

Tôi trân trọng giới thiệu số chuyên đề này cho Trường Đại học Y tế Công cộng.

Lê Vũ Anh

Tổng biên tập

 

Số 39 Tập 13 (Tháng 1 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã tới với tạp chí YTCC số 39

Trong số này các bạn sẽ tiếp cận với những nội dung chính như sau: Nhóm tác giả Nguyễn tiến Thắng và CS đã tiến hành nghiên cứu ban đầu về tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của người cao tuổi tại 4 xã của huyện Tiền Hải, Thái Bình vào năm 2013 để làm tiền đề cho một nghiên cứu can thiệp sẽ được tiến hành ngay sau đó. Đây là một bước bắt buộc để có thể có những so sánh sau can thiệp. Và thậm chí trước đó, kết quả của nghiên cứu này còn có thể giúp gợi ý cho những nội dung cũng như phương pháp tiến hành can thiệp hiệu quả nhất. Đây là một nghiên cứu không phức tạp, nhưng cần thiết, vì thế tiến hành nó cần rất chú ý các tiêu chí để có thể so sánh được sau này. Kiểu nghiên cứu này sẽ cần thiết phải lường trước được các cấu phần can thiệp sẽ tập trung vào các tiêu chí nào và toàn diện tới mức nào. Những khảo sát mang tính định lượng và cả định tính sẽ phải được tiến hành ra sao. Nói tóm lại nghiên cứu sẽ cung cấp cho các bạn làm việc tại các tuyến ban đầu một cái nhìn thực tế trước khi tiến hành một can thiệp trên một cộng đồng. Nhóm tác giả Dương Nữ Tường Vy và CS đã tiến hành nghiên cứu “Can thiệp vệ sinh tay tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà, năm 2014”. Đây cũng thuộc lại nghiên cứu rất cơ bản, thường bị bỏ qua đặc biệt trong môi trường bệnh viện. Người ta thường tiến hành những nghiên cứu phức tạp hơn, nhưng quên rằng chính nghiên cứu này đã được tiến hành lần đầu tại một bệnh viện của Áo và chính nó đã chỉ ra kết luận quan trọng của việc không rửa tay kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật là nguyên nhân duy nhất dẫn tới tăng tỷ lệ tử vong trong sản khoa. Trong nghiên cứu này tác giả nhấn mạnh tới tỷ lệ rửa tay đúng kỹ thuật và coi đó là điều kiện tiên quyết cho an toàn thực hiện các kỹ thuật y tế. Sẽ thuyết phục hơn nếu nhóm tác giả tiến hành so sánh giữa hai nhóm can thiệp và chứng và xét nghiệm tìm vi khuẩn tồn tại trên tay của các nhóm đối tượng trên hai nhóm này. Với đề tài “Khảo sát đánh giá tình trạng sinh con thứ ba (SCT3) trở lên của thủ đô HN và đề xuất giải pháp”, đây là nghiên cứu không mới, kể cả những kết luận của nó. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ thì vẫn có thể học được khá nhiều bài học, ví dụ trong phần nói tới nguyên nhân thực trạng tăng SCT3 tại địa bàn nghiên cứu, tác giả đã ngay lập tức quy kết hậu quả này cho các nguyên nhân rất rõ ràng ở các mục từ 3.3.1 tới 3.3.4 mà không có bất kỳ lý giải nào cụ thể. Tại sao tác giả lại không giả định rằng nếu các hoạt động này đều tốt cả thì liệu việc SCT3 có vẫn tăng không? Hay việc SCT3 chỉ bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài như: Bình đẳng giới được tuyên truyền tốt; Truyền thông pháp lệnh dân số tốt; Cán bộ chưa được đào tạo giảm SCT3; Phối hợp liên ngành chưa có hiệu quả? Những kết luận này đã không được hậu thuẫn chắc chắn bởi các bằng chứng dữ liệu trong nghiên cứu của tác giả! Nhóm tác giả Lê Thị Kim Ánh và CS đã tiến hành đề tài: “Khó khăn trong triển khai chính sách y tế liên quan tới giảm ngèo bền vững cho người dân tại Điện Biên, Kon Tum và Quảng trị, năm 2014.” Đây là nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính kết hợp với nghiên cứu tư liệu liên quan (desk-study) (Người nhận xét không thấy các phân tích định lượng trong phần trình bày kết quả nghiên cứu như nhóm NC đề cập). Thật ra thì chỉ sử dụng định tính trong trường hợp này cũng chấp nhận được, vì đọc qua những câu trả lời của đối tượng tham gia nghiên cứu, người đọc có thể hình dung được rằng những câu trả lời đó hoàn toàn có thể kiểm chứng thông qua những quan sát trực tiếp và ước lượng được những tỷ lệ nhất định người dân tại những cụm nhất định đang đối mặt với những khó khăn họ đang nói tới.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh


2015

Số 38 Tập 12 (Tháng 12 năm 2015)

Chào mừng các bạn đã đến với tạp chí YTCC số 38

Trong số lần này các bạn sẽ có dịp tham khảo những thông tin cơ bản sau đây qua các bài nghiên cứu: “Hiệu quả can thiệp dựa vào cộng đồng phòng chống bệnh lao tại quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh năm 2014” của nhóm tác giả Nguyễn Trung Hoà và CS. Các tác giả đã sử dụng các phương pháp dùng nhóm cộng tác viên tiếp cận chủ động các hộ gia đình để tư vấn và tầm soát bệnh lao, phối hợp y tế công tư trong phát hiện, điều trị và theo dõi bệnh lao tại cộng đồng. Đây là mô hình không mới tuy nhiên, đứng trước thực trạng bệnh lao như hiện nay việc thực hiện mô hình này và quan trọng hơn là đánh giá hiệu quả của nó là rất cần thiết.

Ngoài ra, nhóm tác giả Nguyễn Trung Hoà và CS tiến hành nghiên cứu đề tài: “Hiệu quả can thiệp Calci-D và truyền thông phòng chống loãng xương ở người có mật độ xương thấp tại thành phố Hồ Chí Minh, 2011-2013.” Cùng với tình trạng già hoá dân số đang diễn ra rất nhanh trên quy mô cả nước, bệnh loãng xương đang thực sự đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống điều trị. Cách đề cập và các kết luận của nghiên cứu của các tác giả đã cho thấy một giải pháp cho vấn đề này. Nghiên cứu rất đáng được mở rộng trên các mẫu đại diện khác nhau tuỳ thuộc vào việc chấp nhận can thiệp, để trên cơ sở đó áp dụng rộng rãi.

Nhóm tác giả Huỳnh Kỳ Trân và CS đã lần đầu tiên tiến hành một nghiên cứu hoá dược nhằm phát thiện khả năng điều trị bệnh Tay-Chân-Miệng vốn rất phổ biến hiện nay ở nước ta thông qua việc chưng cất tinh dầu trầu Hóc Môn với tên gọi: “Tinh dầu lá trầu hóc môn – Thành phần Phenolic và ảnh hưởng đến hoạt tính sinh học.” Ngay khi thông báo kết quả tốt của quá trình, những thử nghiệm lâm sàng cho điều trị sẽ bắt đầu được khởi động.

Nhóm tác giả Trịnh Thị Thuý Ngà và CS đã tiến hành nghiên cứu: “Thời gian sử dụng dịch vụ tại phòng khám Methadone trước và sau khi lồng ghép với hoạt động chăm sóc điều trị ARV tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2015.”. Nghiên cứu đã cho thấy việc lồng ghép dịch vụ đã mang lại những kết quả tốt. Một chỉ số của hiệu quả. Nhóm tác giả Lê Thị Ngọc Diệp và CS cũng đã tiến hành nghiên cứu này nhưng nhìn dưới góc độ chi phí khi tiến hành lồng ghép dịch vụ như trên: Chi phí hoạt động của mô hình lồng ghép phòng khám điều trị ARV và methadone tại thành phố Hồ Chí Minh.” Kết quả lại cho thấy rằng mặc dù lồng ghép như vậy nhưng kinh phí lại giảm đáng kể trong khi đó, do tiếp cận dễ dàng hơn, người bệnh lại tới nhiều hơn. Nhóm tác giả Mai Thị Hoài Sơn và CS đã tiến hành nhiên cứu đề tài: “Giám sát, đánh giá – Bệnh nhân methadone trong mô hình lồng ghép điều trị methadone, ARV và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (VCT) – Một số kết quả ban đầu.”  Cũng nằm trong chùm những tác động lên bệnh nhân của cách đề cập lồng ghép, chúng ta có thể thấy ngay cả tác động điều trị cũng rất dương tính, biểu hiện ở: tỷ lệ được xét chọn điều trị, tỷ lệ duy trì điều trị mặc dù hơi giảm nhưng vẫn duy trì cao, tỷ lệ tầm soát HIV cao, tỷ lệ bỏ liều, bỏ trị giảm. Như vậy, việc khuyến khích áp dụng mô hình  này rất nên được mở rộng.

Trân trọng giới thiệu các nghiên cứu này với các bạn. 

Tổng Biên Tập

Lê Vũ Anh

Số 37 Tập 12 (Tháng 10 năm 2015)

Chào mừng các bạn đã tới với số 37 của Tạp Chí YTCC

Tạp chí số này bao gồm những nội dung sau đây:

Nghiên cứu Đánh giá hiệu quả của tiêu thụ hàng ngày sữa chua uống men sống chứa chủng Lactobacillus Paracasei lên sự thay đổi chỉ số miễn dịch IgA trên trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp từ 24-47 tháng tuổi, tại Đông Hưng, Thái Bình của tác giả Cao Thị Thu Hương và CS được thiết kế theo phương pháp can thiệp có nhóm đối chứng và lấy mẫu sinh phẩm định lượng IgA tại các phòng thí nghiệm chuẩn. Độc giả có thể tham khảo từ nghiên cứu này phương pháp và sử dụng kết quả nghiên cứu để áp dụng vào thực tế. Nhóm tác giả Nguyễn Thị Kim Ngân và CS đã triển khai “Đánh giá dự án cung cấp thông tin về sức khoẻ sinh sản M-Health cho nhóm nữ lao động di cư”. Kết quả cho thấy đây là một hướng dẫn mới cho việc áp dụng điện thoại di động thông minh cho những dịch vụ tương tự cũng như sự cần thiết và thuận lợi khi sử dụng dịch vụ này. Tác giả Bùi Xuân Minh và CS đã tiến hành nghiên cứu thực trạng dinh dưỡng và những yếu tố liên quan ở người dân tộc Raglai tại một địa điểm miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh - Khánh Hoà. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất cần được quan tâm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân tại đây vẫn rất cao (gần 60%), thấp còi (gần 79%) là một bằng chứng rõ ràng về thực trạng mất công bằng giữa các tỉnh đồng bằng và miền núi. Vì vậy, cần thiết phải có những can thiệp ngay lập tức như nhóm tác giả đã đề nghị.

Đề tài “Thực trạng và động cơ đồng sử dụng heroin và ma tuý tổng hợp dạng Amphetamine tại ba thành phố lớn ở Việt Nam” cho thấy một chuyển động theo hướng “hoà nhập” khi dòng ma tuý đa dạng được đổ vào Việt Nam và tính “nhạy cảm” của các “khách hàng” tiêu thụ loại “hàng hoá” này. Cần thực hiện những nghiên cứu tương tự tại các khu vực ngoài các thành phố lớn của nghiên cứu để khẳng định tình trạng hiện tồn tại của việc phối hợp này về mặt địa lý.

Tác giả Hoàng Đức Hạnh và CS đã phản ánh một thực trạng “phát triển” trong bối cảnh đô thị hoá nhanh hơn nhiều so với những thay đổi mang tính hành vi đặc thù trong liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm qua  đề tài “Tình hình ngộ độc thực phẩm tại Hà Nội từ 2010-2014”.

Tác giả Nguyễn Đình Dự và CS đã tiến hành “Đánh giá kiến thức và thực hành làm mẹ an toàn của cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số sau 3 năm được đào tạo tại Hà Giang, 2014”. Tuy kết quả nghiên cứu chỉ ra mô hình đào tạo là phù hợp ở khu vực miền núi, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tư vấn và kỹ năng đỡ đẻ giảm đi đáng kể. Đây được coi là 2 hoạt động quan trọng nhất trong việc đào tạo và cung cấp dịch vụ của loại hình này. Tăng cường giám sát hỗ trợ là khuyến nghị hoàn toàn hợp lý. Giám sát luôn là điểm yếu của các chương trình can thiệp ở Việt Nam do những lý do chủ quan lẫn khách quan chủ yếu là kinh phí. Vì vậy, nếu chỉ khuyến nghị mà không chỉ ra giải pháp thì vấn đề vẫn khó giải quyết.

Tác giả Nguyễn Thị Thịnh và CS đã tiến hành đề tài “Kiến thực, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ có con dưới 5 tuổi người H’Mông tại một số xã thuộc huyện Bảo Lạc, Cao Bằng năm 2014”. Đề tài và cả phương pháp tiến hành đều không mới. Tuy nhiên, với những vùng sâu, xa và trên người dân tộc thiểu số việc nhắc lại là quan trọng. Vì vậy, khuyến nghị nên cụ thể và thích hợp để có thể tiến hành trên những thực địa này là quan trọng trong việc giúp đạt được mục tiêu khoa học đã đề ra.

Trân trọng giới thiệu với các bạn!

Tổng Biên tập

Lê Vũ Anh

Số 36 Tập 12 (tháng 6 năm 2015)

Chào mừng các bạn đã tới với số 36 của tạp chí Y tế Công cộng.

Đây là số chuyên san liên quan tới chuyên đề sức khỏe sinh sản, những bài giới thiệu trong số này được chọn lọc trong loạt bài báo đã được báo cáo trong “Hội nghị toàn quốc về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, từ bằng chứng tới chính sách” tổ chức ngày 11.11.2014 tại Hà Nội.

Đáng ra, số chuyên đề này phải được phát hành sớm hơn. Tuy nhiên, do yếu tố cả chủ quan và khách quan nên đến nay số chuyên san mới có thể ấn hành và tới tay bạn đọc. Tôi thấy điều này là đáng tiếc và thực sự cần rút kinh nghiệm.

Trong số chuyên đề này, bạn đọc có thể thấy 8 bài báo đặc trưng cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục và bảo vệ bà mẹ, trẻ em vốn từ lâu đã được coi là ưu tiên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các chủ đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu không thực sự mới.Tuy nhiên, điểm mới được thể hiện ở việc lựa chọn quần thể nghiên cứu, thời gian, không gian nghiên cứu được tiến hành khác. Điều này được thể hiện khá nhiều trong hầu hết các nghiên cứu của Việt Nam, dù nó được tiến hành ở đâu và do ai. Điều này cho thấy các nghiên cứu của chúng ta vẫn đang đối mặt với những khó khăn cơ bản có thể kể tới là kinh phí, thời gian, và tính chuyên ngiệp. Những điểm cơ bản này ngăn cản chúng ta tiến hành những nghiên cứu mang tính dài hơi-tiến cứu hoặc những nghiên cứu mang tính phân tích chứ không đơn thuần chỉ là mô tả. Khi viết đến đây, tôi đã ý thức được một cách rõ ràng rằng các nghiên cứu mô tả cũng có những tác động rất tốt và đó cũng là lý do chúng tôi vẫn rất nhiệt tình giới thiệu các nghiên cứu này trên tạp chí của Hội YTCC Việt Nam.

Có hai nghiên cứu khá đặc biệt trong số này của nhóm tác giả Hồ Thị Hiền và cộng sự và nhóm tác giả Trần Thị Đức Hạnh và cộng sự là những nghiên cứu đáng chú ý vì tính thời sự cũng như ứng dụng của nó.

Nghiên cứu đầu chưa được tiến hành ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo trích dẫn y văn thì đối tượng nghiên cứu là Phụ Nữ Mại Dâm (PNMD) ở Việt Nam lại có tỷ lệ sử dụng Methaphetamine (ma túy đá) cao hơn hẳn những nước khác, tới trên 50%. Nghiên cứu này chỉ sử dụng phương pháp định tính. Nghiên cứu đã dẫn dắt một cách thuyết phục về kết quả tất yếu và nguy hiểm của việc sử dụng ma túy này trên một cộng đồng không lớn, khá đặc hiệu của PNMD. Chính vì thế kết quả nghiên cứu cũng đưa ra được các đầu mối gợi ý hỗ trợ nhóm yếu thế và có nhiều nguy cơ mắc HIV này.

Nghiên cứu thứ hai không mới nhưng thực dụng ở việc sử dụng các kết quả định lượng rất thuyết phục để đề xuất sử dụng các biện pháp sàng lọc đơn giản, tiết kiệm kinh phí để giảm thiểu nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung thông qua việc phát hiện sớm căn bệnh này.

Các nghiên cứu khác cũng là những tham khảo rất lý thú.

Xin trân trọng giới thiệu số Tạp chí đặc biệt này tới bạn đọc.

Tổng Biên tập

Lê Vũ Anh

Số 35 Tập 12 (Tháng 3 năm 2015)

Chào mừng các bạn đã tới với số 35 của tạp chí Y tế Công cộng.

Trong số ra lần này có những nội dung chính sau:

Tác giả Trần Thị Tuyết Hạnh và cộng sự (CS) với nghiên cứu: “Tổng quan về các hóa chất độc hại trong thực phẩm thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và nguy cơ tới sức khỏe cộng đồng”. Đây là một bài tổng quan, thu thập các thông tin từ nhiều nguồn cập nhật được công bố trên cơ sở ScienceDirect. Tác giả muốn thông qua đây để đưa ra các khuyến nghị cho người tiêu dùng. Các nhà nghiên cứu cũng nên xem xét đây là một gợi ý để kiểm tra những thông tin này có trùng khớp với thực tế ở Việt Nam không, như một số ví dụ được đưa ra trong nghiên cứu này.

Tác giả Phạm Minh Khuê và CS đã nghiên cứ thực trạng quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện huyện thành phố Hải Phòng năm 2013 mô tả những tiến bộ bước đầu về quản lý chất thải bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều mặt để có thể hình thành một quy trình quản lý toan diện và có chất lượng nguồn ô nhiễm nguy hiểm này. Bài viết gợi ý một nghiên cứu rộng hơn ở nhiều địa phương để có thể đưa ra hình ảnh đại diện hơn và lập kế hoạch cho một quy trình quản lý có hiệu quả.

Tác giả Dương Thị Thu Hương và CS đã nghiên cứu đề tài khác biệt về giới tính và những thiếu hụt về kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn của học sinh bậc trung học phổ thông tại một trường THPT ở Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy còn nhiều thông tin quan trọng liên quan tới sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng tới sức khỏe giới tính, tình dục cần cung cấp cho nhóm đối tượng học sinh phổ thông, đặc biệt là nhóm đối tượng nam giới. Báo cáo này lại một lần nữa cảnh báo việc cần sớm có một chương trình giáo dục giới tính có hiệu quả để có thể bảo vệ lứa tuổi này.

Tác giả Lê Minh Thi và CS đã nghiên cứu vấn đề các rào cản trong thực hiện thông thuw16/2009/BYT về sàng lọc, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đinh tại Việt Nam. Thực tế cho thấy thông thư hiện tại chủ yếu vẫn chưa tới được người dân do do còn quá nhiều rào cản cả từ phía ra thông thư lẫn phía người cần sự trợ giúp.

Tác giả Vũ Thị Thúy Mai và CS nghiên cứu những thay đổi kiến thức phòng bệnh chân-tay-miệng sau can thiệp truyền thông về bệnh này ở các bà mẹ có con dưới 2 tuổi ở Vụ Bản, Nam Định. Kết quả cho thấy những kiến thức thực tế phòng bệnh cho chính con minh được các bà mẹ rất quan tâm và những kiến thức đó được duy trì lâu dài (3 tháng) sau khi được tiếp cận. Đây là cơ sở để xây dựng các chương trình đào tạo trực tiếp cho các bà mẹ về phòng chống các bệnh cho con minh.

Tác giả Nguyễn Hiền Vương và CS đã nghiên cứu tình trạng sử dụng rượu bia của nam giới trong độ tuổi 15-60 tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội năm 2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung binh sử dụng rượu bia là quá sớm, với một tỷ lệ uống hàng ngày là rất lớn (>26%) và tỷ lệ phụ thuộc rượu bia là 3%. Đây lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền giáo dục và những biện pháp bắt buộc hạn chế sử dụng rượu bia để giảm thiểu tai nạn giao thông đang rất trầm trọng ở Việt Nam.

Tạp chí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh

Số 34 Tập 12 (Tháng 1 năm 2015)

Chào mừng các bạn đến với tạp chí YTCC số 34

Trong số này, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Thắng và CS đã tìm hiểu tình trạng nguồn nhân lực y tế công tại huyện Kim Bảng và Bình Lục của tỉnh Hà Nam năm 2014. Bài báo cho thấy thực trạng thiếu nhân lực ở tất cả các cấp như bác sỹ, dược sỹ, đặc biệt ở tuyến xã. Thực trạng này chủ yếu được so sanh với chuẩn của Bộ Y tế nhưng chưa so sanh với nhu cầu khám chữa bệnh thực tế của địa phương. Cũng liên quan tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhóm tác giả Nguyễn Văn Nghị và CS đã tiến hành đề tài: “Thực trạng và một số yếu tố liên quan dịch vụ khám chữa bệnh tại các trạm y tế phường thuộc quận Ngô Quyền, Hải Phòng năm 2013”. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua phỏng vấn người sử dụng dịch vụ và kết hợp định tính, nhóm tác giả đưa ra những kết luận sát thực hơn, đặc biệt liên quan tới việc trả lời các câu hỏi tại sao và như thế nào. Kết quả cho thấy tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tại trạm y tế rất thấp. Vì vậy, việc tăng cường chất lượng và niềm tin vào những cơ sở này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tình trạng quá tải ở các tuyến trên.

Già hóa dân số đang thực sụ trở thành một ganh nặng không những với ngành y tế mà với cả nền kinh tế. Một cách đề cập mới dùng người cao tuổi làm trung tâm trong việc tuyên truyền, vận động tăng cường sức khỏe cộng đồng và thông qua đó tăng cường sức khỏe của người cao tuổi tham gia chương trình do tác giả Lê Vũ Anh và CS tiến hành tại Tiền Hải-Thái Bình. Bài báo đưa ra một cách đề cập mới cho phép giải quyết vấn đề một cách bền vững trên diện rộng. Liên quan tới phương pháp giảng dạy, tác giả Hứa Thanh Thủy và CS đã tiến hành đề tài nghiên cứu: “Kết quả triển khai phương pháp học tập dựa vào tình huống của trường đại học YTCC”. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng để có thể giảng dạy dựa vào những phương pháp mới, cơ sở đào tạo cần phải được trang bị các phương tiện giảng dạy và nguồn lực cần thiết mới có thể đảm bảo chất lượng.

Tác giả Bùi Thị Quỳnh Trâm và CS lại quan tâm tới một vấn đề mà người lao động thường mắc phải và gây những hậu quả mạn tính đó là đau thắt lưng nghề nghiệp. “Nghiên cứu tổng quan về đau thắt lưng nghề nghiệp” sẽ là những thông tin nền tảng, cung cấp cho những ai có ý định nghiên cứu vấn đề này. Tác giả Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và CS đã nghiên cứu đề tài: “Đánh giá mức độ an toàn sinh học của cụm chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu đã cung cấp một phương pháp đanh giá tương đối toàn diện về một vấn đề về một vấn đề trong khuôn khổ của cách đề cập một sức khỏe. Một vấn đề không mới nhưng quan trọng đã được tác giả Phạm Hương Trà Linh và CS tiến hành: “Thực trạng và một số yếu tố liên quan tới hành vi quan hệ tình dục của sinh viên trường cao đẳng y tế Phú Thọ, năm 2014”. Kết quả cho thấy một hình ảnh đáng quan ngại về tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân tại một cơ sở đào tạo. Một thực tế rất đáng có những can thiệp nghiêm túc. Nghiên cứu: “Tình trạng stress của điều dưỡng và hộ sinh Bệnh viện phụ sản Nhi Đà Nẵng” chỉ ra 3 yếu tố gây stress, mà chỉ khắc phục chúng thì mới giảm thiểu được tình trạng stress.

Xin giới thiệu cùng các bạn Tạp chí Y tế công cộng số 34

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh


2014

Số 33 Tập 11 (Tháng 9 năm 2014)

Chào mừng các bạn đã đến với tạp chí YTCC số 33

Trong số này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với các bạn những nội dung chính sau: Bài của tác giả Lê Vũ Anh và cộng sự đã lần đầu tiên tổng kết những thông tin liên quan tới người cao tuổi tại Việt Nam theo các tiêu chí: xây dụng và thực thi chính sách, các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố liên quan. Đây sẽ là cơ sở cho việc đanh giá ban đầu, nhưng quan trọng hơn là cần đưa ra những quyết định cơ bản để xây dựng một cơ chế tăng cường chất lượng cuộc sống của bộ phận dân số ngày càng tăng lên ở Việt Nam.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Bình An và CS liên quan tới vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sỹ tại các vung khó khăn như duyên hải Nam Trung Bộ, gây ảnh hưởng không ít đến việc cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng tại khu vực này. Bài báo đã đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm duy trì và phát triển nhân lực y tế tại 8 tỉnh thuộc dự án. Nguồn nhân lực luôn là vấn đề quan trọng, vì vậy nhóm tác giả Nguyễn Hữu Thắng và CS cũng tiến hành một nghiên cứu liên quan đến sự hài lòng và tác động vào đó để duy trì và phát triển nguồn nhân lực. Nhóm tác giả Nguyễn Thái Quỳnh Chi và CS đã rất thực tế khi nghiên cứu về tình trạng stress của cán bộ giảng viên Trường Đại học YTCC, một ngôi trường được đanh giá là đã cố gắng nâng cao, phát triển toàn diện cả chất lượng giảng dạy và nghiện cứu khoa học đối với các giảng viên của trường. Nhóm tác giả Lê Đức Sang và CS đã đưa chúng ta trở lại với một vấn đề cổ điển rất thực tế, đó là thực hành an toàn thực phẩm của người kinh doanh thực phẩm tươi sống. 30% đối tượng không tuân thủ là một con số lớn có nguy cơ gây hại cho người sử dụng cao. Cũng với đề tài tương tự nhưng trên một bếp ăn tập thể, nhóm tác giả Hoàng Đức Hạnh và CS đã đưa ra con số trên 20% số người chế biến thực phẩm được phát hiện có E. coli và tụ cầu vàng trên tay. Chuyển sang một loại đề tài khác, nhóm tác giả Truyen Tuyết Mai và CS đã đưa ra kết quả tỷ lệ kháng insulin và mắc hội chướng chuyển hóa ở người trưởng thành 40-59 tuổi bị thừa cân, béo phì là cao, bên cạnh đó là các vấn đề về rối loạn lipid máu, glucose máu, ít hoạt động thể lực. Đây cũng là những bằng chứng quan trọng cho vận động chính sách về vận động thể lực cho mọi lứa tuổi trong thời gian tới. Nhóm tác giả Lê Thị Kim Ánh và CS đã sử dụng một cách đề cập được cho là mới trong việc sử dụng người cao tuổi tình nguyện cho hoạt động can thiệp giảm thiểu tiêu thụ rượu bia để cùng một lúc đạt được hai mục tiêu: tăng cường chất lượng cuộc sống của NCT và giảm thiểu tiêu thu rượu bia trong cộng đồng, một cách tiếp cận can thiệp bền vững và hiệu quả. Tham khảo nghiên cứu này, độc giả có thể mạnh dạn áp dụng trên địa bàn minh phụ trách.

Trân trọng giới thiệu các nghiên cứu tới các bạn.

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh

 

Số 32 Tập 11 (Tháng 7 năm 2014)

Chào mừng các bạn đã đến với số 32 của tạp chí Y tế Công cộng.

Trong số này chúng tôi xin giới thiệu với các bạn những nội dung sau:

Thông qua bài báo “Mức độ tham gia cộng đồng của người khuyết tật tuổi lao động tại phường Xuân Hà, thành phố Đà Nẵng”, tác giả Phan Thị Hoàng Ngân và cộng sự đã cố gắng so sánh những hoạt động tham gia cộng đồng người khuyết tật trong mẫu nghiên cứu với chuẩn tham gia được khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Bài báo khuyến nghị cần tăng cường việc này trong cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là nữ. Bài “Tình dục không an toàn dưới tác dụng của đá trong nhóm nữ mại dâm đường phố tại Hà Nội” của tác giả Phạm Vân Anh và CS là một nghiên cứu chỉ sử dụng phương pháp định tính với 18 trường hợp mại dâm nữ có sử dụng đá, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho cá nhân khi so sanh với sự nghiêm ngặt của các phương pháp định lượng.

Bài “Cấu trúc cơ thể, mối liên quan giữa tuổi, cấu trúc cơ thể và chỉ số khối cơ thể ở trẻ em 3-5 tuổi” của Nguyễn Quang Dũng và CS đã đưa ra cách đề cập mới trong đo đạc nhân trắc trên trẻ em trước tuổi tới trường. Theo cách này để xác định thực trạng thừa cân, béo phì, việc chỉ đơn thuần áp dụng phương pháp đo đạc truyền thống (BMI) không còn chính xác mà nên áp dụng phương pháp mới đặc thù hơn (%MCT). Bài “Tai nạn giao thông nhập viện và một số yếu tố liên quan tại tỉnh Bình Định năm 2011” của tác giả Nguyễn Thị Như Tú và CS cho thấy hình ảnh dịch tễ học của tại nạn giao thông tại tỉnh Bình Định. Vấn đề không mới, nhưng tính đặc thù theo vùng có thể sẽ giúp các chương trình phòng chống tai nạn thương tích phù hợp hơn.

Bài “Hoạt động của cộng tác viên y tế của các phương trọng điểm và các khó khăn trong giám sát sốt Dengue tại quận Đống Đa, Hà Nội năm 2012-13” của tác giả Nguyễn Thị Kim Ánh và CS chỉ ra những điểm cần và có thể làm tốt hơn công tác này khi hàng năm dịch Dengue vẫn đe dọa khu vực này. Bài “Đánh giá chương trình can thiệp tăng cường thực hành của cán bộ y tế hướng tới chửa ngoài tử cung tại Đại Từ và Đồng Hỷ, Thái Nguyên năm 2011” của tác giả Bùi Tú Quyên và CS cho thấy với một gói can thiệp khá đơn giản và khả thi, những cán bộ y tế được trang bị gói này có thể thực hành tốt, làm giảm đáng kể các tai biến gây tử vong của người chửa ngoài tử cung tại những vùng miền núi khó khăn.

Bài “Một số yếu tố nguy cơ rối loạn đường huyết của người trưởng thành 40-69 tuổi tại một số phường của thành phố Hạ Long” của tác giả Trương Tuyết Mai và CS sử dụng phương pháp nghiên cứu bệnh-chứng để xác định những yếu tố kinh điển gây ra rối loạn đường huyết. Việc cung cấp bằng chứng khoa học thông qua sử dụng cách đề cập như trong bài viết là hợp lý trong bối cảnh kinh phí cho nghiên cứu hạn chế. Bài “Thực hành mô hình tổ chức nhân lực và sự hài lòng đối với công việc của nhân viên y tế dự phòng quận huyện thành phố Đà Nẵng” của tác giả Ngô Thik Kim Yến và CS đã mang đến hình ảnh tổng thế của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh phổ bệnh tật đang thay đổi theo hướng các bệnh không truyền nhiễm, mạn tính đang dần chiếm đa số. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, giao dục thay đổi hành vi nguy cơ quan trọng và mang lại hiệu quả hơn điều trị.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tổng Biên tập

Lê Vũ Anh


2013


2012


26 - 50 trong số 71 mục     << < 1 2 3 > >>