Trầm cảm ở người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Giao thông vận tải năm 2021 và một số yếu tố liên quan
Tóm tắt
Ngày nhận bài: 22/10/2022
Ngày gửi phản biện: 29/10/2022
Ngày duyệt bài: 15/12/2022
Mục tiêu: Mô tả thực trạng trầm cảm ở người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Giao thông vận tải và phân tích một số yếu tố liên quan.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 170 người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện Giao thôngVận tải tháng 12, năm 2021. Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu toàn bộ. Thông tin được thu thập bằng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn theo hình thức phát vấn. Dữ liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0.
Kết quả: Tỷ lệ trầm cảm chung của người bệnh là 37,6%, trong đó nhóm người bệnh bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm chiếm 21,1% và nhóm có trầm cảm thực sự chiếm 16,5%. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa thực trạng trầm cảm của người bệnh với giới tính, nghề nghiệp và hành vi sử dụng rượu/bia. Người bệnh là nữ giới có khả năng bị trầm cảm cao gấp 2,1 lần so với nam giới (OR = 2,1; CI95%: 1,1 – 4,2). Người bệnh là cán bộ nhà nước/doanh nhân có khả năng bị trầm cảm chỉ bằng 0,44 lần so với nhóm người bệnh là nông dân/lao động tự do/về hưu/nội trợ/không có việc làm (OR =0,44; CI95%: 0,2 – 0,9; p<0,05). Người bệnh sử dụng rượu/bia có khả năng bị trầm cảm chỉ bằng 0,43 lần so với người bệnh không sử dụng rượu/bia (OR = 0,43; CI95%: 0,1-0,99, p < 0,05).
Khuyến nghị: Cần tiếp tục triển khai nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa trầm cảm ở người bệnh và một số yếu tố như sử dụng rượu bia, tình trạng mắc bệnh, thời gian bị bệnh, đồng thời sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu rối loạn tâm thần, trầm cảm và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp và hiệu quả.