Kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa của sinh viên hai trường Đại học tại Hà nội năm học 2021 - 2022
Tóm tắt
Ngày nhận bài: 22/12/2022
Ngày gửi phản biện: 29/12/2022
Ngày duyệt bài: 15/03/2023
Mục tiêu: Đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa của sinh viên tại Trường Đại học Thăng Long và Trường Đại học Lao động – Xã hội năm học 2021 - 2022 và phân tích một số yếu tố liên quan.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích được thực hiện trên 565 sinh viên chính quy tại hai trường Đại học sử dụng cách chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Thông tin được thu thập bằng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn theo hình thức phát vấn trực tuyến. Bộ câu hỏi bao gồm 1)Thông tin chung (7 câu hỏi); 2) Kiến thức về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (13 câu hỏi); 3) Thái độ về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (8 câu hỏi) và 4) Thực hành về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (10 câu hỏi). Độ tin cậy của bộ câu hỏi là có thể chấp nhận được (Cronbach’s α = 0,710). Dữ liệu được nhập bằng phần mềm Excel và xử lý bằng SPSS 20.0.
Kết quả: Tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành đạt về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa của sinh viên lần lượt là 42,7%, 97,5%, và 82,5%. Sinh viên có kiến thức không đạt có khả năng không đạt thái độ về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa cao gấp 4,5 lần sinh viên có kiến thức đạt (OR=4,5; 95%CI (1,0 – 42,5), p < 0,05). Sinh viên có thái độ không đạt có khả năng không đạt thực hành cao gấp 3,6 lần sinh viên có thái độ đạt (OR = 3,6; 95%CI (1,02 – 12,4); p < 0,05). Sinh viên có kiến thức không đạt có khả năng không đạt thực hành cao gấp 2,5 lần sinh viên có kiến thức đạt (OR= 2,5; 95% CI (1,5 – 4,3); p < 0,001).
Khuyến nghị: Cần tiếp tục triển khai nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa kiến thức, thái độ, thực hành về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa của sinh viên với một số yếu tố như: giới tính, nhóm tuổi, ngành học, trường đang học, nơi ở cũng như nguồn thông tin tiếp cận.