Khảo sát nồng độ kháng thể kháng miền liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 sau tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 trên đối tượng nhân viên y tế của trường Đại học Y Hà Nội
Tóm tắt
DOI:10.53522/ytcc.visdb.T220720
Ngày nhận bài: 08/06/2022
Ngày gửi phản biện: 15/06/2022
Ngày duyệt bài: 10/08/2022
Tiêm phòng vắc xin COVID-19 được coi là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan
và hạn chế hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả của công tác tiêm chủng, việc theo dõi, đánh giá khả năng sinh kháng thể của các loại vắc xin luôn cần được lưu tâm. Trong nghiên cứu này, nồng độ kháng thể kháng miền liên kết thụ thể (RBD) của SARS-CoV-2 trên nhân viên y tế của trường Đại học Y Hà Nội được đánh giá sau tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Có 66 trong số 68 (chiếm 97,06%) đối tượng tham gia nghiên cứu có kết quả nồng độ kháng thể kháng RBD của SARS-CoV-2 đạt ngưỡng có thể tạo chế phẩm huyết tương dưỡng có hiệu giá kháng thể cao theo tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Nồng độ kháng thể kháng RBD của SARS-CoV-2 trung bình của nhóm được tiêm 2 mũi vắc xin AZD1222 (AstraZeneca) và nhóm được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin BTN162b2 (Pfizer) lần lượt là 1202,33 và 4312,92 U/mL. Trong tổng số 56 đối tượng nghiên cứu được tiêm 2 mũi vắc xin AZD1222, chúng tôi nhận thấy sự suy giảm nồng độ kháng thể kháng RBD của SARS-CoV-2 ở nhóm đã tiêm mũi thứ 2 trên 90 ngày so với nhóm dưới 90 ngày (p=0,044). Đồng thời, chúng tôi không nhận thấy mối liên quan giữa tác dụng không mong muốn và nồng độ kháng thể kháng RBD của SARS-CoV-2 sau tiêm vắc xin AZD1222. Những kết quả trên một lần nữa nhấn mạnh hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam, cũng như góp phần cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai các mũi tiêm vắc xin bổ sung nhằm đảm bảo duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc xin.