Nghiên cứu tỷ lệ trầm cảm và đánh giá kiến thức, nhu cầu, yếu tố tâm lý xã hội của bệnh nhân ung thư vú về phẫu thuật tái tạo sau cắt bỏ vú tại thành phố Huế
Tóm tắt
DOI: 10.53522/ytcc.vi58.T211201
Ngày nhận bài: 01/12/2021
Ngày gửi phản biện: 09/12/2021
Ngày duyệt bài: 15/03/2022
Đặt vấn đề: Bệnh nhân ung thư vú dễ mắc các rối loạn tâm lý và có nhu cầu lớn về phẫu thuật tái tạo. Mục tiêu: 1) Tìm hiểu tỷ lệ trầm cảm và các yếu tố liên quan; 2) Đánh giá kiến thức, nhu cầu về phẫu thuật tái tạo vú; 3) Tìm hiểu các yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng quyết định tái tạo vú của đối tượng.Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang. Thang đo PHQ-9 dùng để đánh giá tình trạng trầm cảm. Mô hình hồi quy đa biến logistic dung để phân tích các yếu tố liên quan.
Kết quả: Trong 151 bệnh nhân ung thư vú, tỷ lệ trầm cảm là 61,6%. Chỉ 10,6% bệnh nhân có kiến thức đạt về phẫu thuật tái tạo vú. Tỷ lệ đối tượng có nhu cầu tái tạo vú là 21,2%. Có mối liên quan giữa tỷ lệ trầm cảm và kinh tế thuộc hộ nghèo/cận nghèo (OR=5,58; 95%CI: 1,42-21,97), giai đoạn III (OR=3,58; 95%CI: 1,11-11,53) và IV (OR=7,54; 95%CI: 1,73-32,94) của bệnh, và tâm lý sợ bệnh (OR=3,46; 95%CI: 1,12-11,72).
Kết luận: Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân ung thư vú tương đối cao và có một tỷ lệ không nhỏ người bệnh có nhu cầu phẫu thuật tái tạo. Người cung cấp dịch vụ y tế cần có những phương án thích hợp để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ung thư và đáp ứng nhu cầu phẫu thuật tái tạo vú của người bệnh.